Mới đây,ụhuynhtốgiáoviênmiệtthịkhiếnhọcsinhsuysụpsụthơnkýrequired bà Đinh Thị C. (trú H.Krông Búk, Đắk Lắk) đã làm đơn tố cáo cô giáo P.Q.A (32 tuổi, trước công tác tại Trường THCS Lê Lợi, nay chuyển công tác về Trường tiểu học - THCS Lê Lai, xã Ea Hiao, H.Ea H'leo, Đắk Lắk) đã có lời lẽ xúc phạm khiến con gái bà lâm vào tình trạng stress nặng, phải vào viện điều trị tâm lý và sụt hơn 10 kg trong vòng vài tháng.
Nữ sinh stress vì bị cô mắng "không có não"?
Theo bà C., do vợ chồng bà ly hôn, con gái bà là T.T.N. về ở với bố tại H.Ea H'leo và theo học tại đây. Năm học 2022 - 2023, em N. học lớp 8A6 Trường THCS Lê Lợi do cô Q.A chủ nhiệm và dạy môn toán. Vào đầu năm học, em N. có tham gia lớp học thêm của cô Q.A nhưng học được 3 tháng em N. xin nghỉ vì có người thân kèm học.
Bà C. cho rằng, việc cháu N. nghỉ học thêm tại lớp của cô Q.A có thể là nguồn cơn khiến con bà bị phân biệt đối xử, bị xúc phạm, miệt thị nặng nề và lâm vào tình cảnh như hiện nay. Đến khi nghe con gái tâm sự sơ lược mọi chuyện qua điện thoại, bà đã đến gặp con và rất lo lắng khi thấy con gái suy nhược trầm trọng.
"Thấy con suy nhược, tôi dẫn con đi khám tâm lý ở TP.HCM. Qua đó, tôi nghe con kể lại với bác sĩ việc bị cô giáo xúc phạm nhiều dẫn đến ức chế nên tôi rất bức xúc và quyết định làm đơn tố cáo cô Q.A. Hiện con gái tôi sụt cân hơn 10 ký và suy dinh dưỡng trầm trọng", bà C. nói.
Em N. cho rằng, từ khi nghỉ học thêm, cô Q.A luôn để ý đến em một cách "đặc biệt" từ đồng phục cho đến trực nhật… Nếu N. vi phạm, cô giáo sẽ mắng nhiều và bắt vừa đứng vừa học. Cũng theo N., có lần em bị cô mắng trước lớp rằng "mày không có não à?", "chị có thể nào bình thường không vi phạm được không?"…
"Buổi tối đi ngủ con hay nhớ lại lời cô mắng và ám ảnh, con thường xuyên đóng cửa ở một mình suy nghĩ lời cô giáo và rất lo sợ mỗi khi đến tiết học của cô. Con bị cô phân biệt, các bạn khác mắc lỗi thì cô không chú ý như với con", em N. cho biết.
Bà C. chia sẻ thêm, cô Q.A đã gọi điện xin lỗi và mong gia đình bỏ qua nhưng không hề đến nhà xin lỗi, hỏi han cháu N. Do đó, bà đã cho con gái chuyển trường và hiện đang điều trị tâm lý tại nhà cho N.
Giáo viên thừa nhận có nặng lời
Liên quan đến vụ việc, cô Q.A cho rằng do em N. thường xuyên vi phạm nội quy nên khi nóng giận, cô có nhắc nhở và từng có lời lẽ chưa chuẩn mực. Giáo viên này cũng cho rằng, có lần đã phạt em N. đứng trong lớp học khoảng 10 phút vì vi phạm. Tuy nhiên, cô Q.A phủ nhận việc phân biệt đối xử với em N. vì em nghỉ học thêm. "Tôi thừa nhận mình có lời nói chưa chuẩn mực với em N. Tôi sai đâu tôi chịu trách nhiệm ở đó. Ở lớp tôi đều đối xử công bằng với tất cả học sinh, ai vi phạm nội quy đều bị phạt để răn đe", cô Q.A nói.
Cũng theo lời cô Q.A, stress có nhiều nguyên nhân, không loại trừ tác động từ hoàn cảnh gia đình, việc gia đình nói em N. bị stress do cô mắng nặng lời là quy chụp cho bản thân cô.
Đối với việc cô giáo chưa đến nhà học sinh xin lỗi, cô Q.A cho rằng cô lo sợ bản thân đến nhà sẽ bị mẹ của em N. chụp ảnh, đăng tải mạng xã hội dẫn đến câu chuyện phức tạp nên chưa dám ghé thăm học sinh.
Ông Nguyễn Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, cho biết sau khi nhận được đơn thư của phụ huynh, trường đã trực tiếp đến thăm hỏi học sinh N. Tới đây, nhà trường sẽ mời cô giáo Q.A về làm việc, làm rõ các nội dung trong đơn.
Theo một lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Ea H'leo (Đắk Lắk), hiện đơn vị đã nắm được thông tin vụ việc nói trên và đang giao cho nhà trường làm việc với các bên, tìm hiểu tường tận vụ việc để có cách giải quyết hợp tình hợp lý.